Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Ấy vậy mà, ở vùng đất ấy, biển vẫn dịu êm ôm lấy chân núi; ngọn tháp Chàm vẫn in màu trầm mặc trên nền trời xanh thẳm; vườn nho vẫn trĩu quả ngọt lành, những hạt muối vẫn rèn mình dưới nắng; đồi cát vẫn mịn màng vuốt ve bàn chân; những lễ hội vẫn rộn rã với bao lời ca, điệu múa. Vùng đất tưởng như hanh hao vì nắng vì gió mà khi ghé thăm rồi, ai ai cũng phải nhớ...

Tiếng gọi từ thiên nhiên

Tháng 9. Cái nắng hanh hao vương vấn mãi chẳng chịu rời chân dù mùa mưa ở Ninh Thuận đã bắt đầu. Ngày chúng tôi đến Công viên đá thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa - nơi mệnh danh ”rừng khô Phan Rang” - vẫn là cái nắng gắt gỏng và bầu trời xanh thẳm đón chào.

Lư­ợng m­ưa hằng năm dao động từ 700-800 mm, quanh năm nắng nóng, nhiệt độ cao nhất có thể đạt tới xấp xỉ 42 độ C, Vườn Quốc gia Núi Chúa là nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta. Đường vào Công viên đá nhiều dốc đá quanh co và vô số ngã rẽ. Chúng tôi vừa men theo con đường nhỏ đầy đá và cát vừa phải cúi người tránh những nhành cây ương bướng vắt ngang đường. Lữ khách sẽ dễ dàng bắt gặp những loại cây thấp lá nhỏ hay hoa xương rồng đỏ gai góc mọc lên giữa vùng nắng hạn khô cằn. 

Công viên đá
Công viên đá

Công viên đá của Vườn Quốc gia núi Chúa là nơi giao hòa giữa biển, núi, đất, trời; là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với hàng ngàn tảng đá xếp chồng lên nhau, thách thức thời gian, thách thức gió cát mà đứng vững nơi đây từ ngàn đời tạo nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Dưới chân núi, bãi Thịt là nơi duy nhất ở đất liền của Việt Nam có các loài rùa biển tìm đến đẻ trứng như rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa.

Bãi Thịt nhìn từ công viên đá

Bãi Thịt nhìn từ Công viên đá

Ninh Thuận là vùng đất của gió biển mặn mòi, của nắng vàng rực rỡ và biển xanh sóng vỗ. Con đường ven biển được chính thức khởi công năm 2009 đến nay đã cơ bản hoàn thành, men theo sườn núi dẫn lối người lữ khách bước vào câu chuyện cổ tích: câu chuyện về những bãi biển xanh như nàng công chúa ngủ say chờ đợi nụ hôn để tỉnh giấc mỉm cười... 

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió
Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Chúng tôi xuống tàu bắt đầu chuyến tham quan vịnh Vĩnh Hy, một trong những vịnh đẹp nhất của Việt Nam. Gió biển mát rượi, nước xanh lấp lánh những hạt nắng thủy tinh, thi thoảng bắt gặp những chiếc thuyền của ngư dân giăng lưới đánh cá. Tàu du lịch được thiết kế đáy kính trong suốt để du khách có thể ngắm nhìn những rạn san hô đa hình đa sắc. Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là vùng biển có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài san hô phong phú về hình dáng, màu sắc.

Vịnh Vĩnh Hy
Vịnh Vĩnh Hy

Ngoài Vĩnh Hy, Ninh Thuận còn sở hữu nhiều bãi biển đẹp như bãi Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Nam Cương, Từ Thiện, Phước Dinh, Bình Tiên… Với bờ biển dài 105 km, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển cùng nhiều hoạt động lướt ván, lặn biển, câu cá, dã ngoại…

Thưởng thức hải sản tại bè
Thưởng thức hải sản tại bè

“Màu thời gian, không gian như hội tụ”

Trong bài thơ “Về Ninh Thuận”, tác giả Phan Thành Khương có viết:

“Em hãy về Ninh Thuận với anh

….

Để được nhìn đôi bàn tay rất đỗi khéo léo, dịu dàng

Của mẹ, ở làng gốm cổ xưa Bàu Trúc;

Để được ngắm những cô gái, cô tiên làng Mỹ Nghiệp,

Dệt bướm thêu hoa trên thổ cẩm quê hương”.

Ninh Thuận là nơi gìn giữ nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chăm Pa từ chữ viết, trang phục, lễ hội, các làng nghề truyền thống đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Nơi đây gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước như tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome mà trong đó Po Klong Garai được ví von là cụm tháp “ba nhất”: đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và nhiều lễ hội nhất trong năm. 

Tháp Po Klong Garai

Tháp Po Klong Garai

Tháp Po Klong Garai tổng hợp tất cả các kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao mà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khám phá ra chất liệu kết dính để xây thành cụm tháp hùng vĩ. Được xây dựng vào cuối thế kỉ 13, mãi đến tận bây giờ, cụm tháp vẫn hiên ngang giữa đất trời, thách thức cùng nắng, hòa ca cùng gió, hát lời tình ca về một nền văn hóa cổ xưa.

Tháp chính thờ tượng vua Po Klong Garai

Tháp chính thờ vua Po Klong Garai

Cách trung tâm thành phố Phan Rang 10 km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là nơi bắt đầu câu chuyện của “những sản phẩm ấm tình người”.

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được gọi với cái tên thân thương: “Quê hương sợi chỉ đủ màu”, nơi những người phụ nữ ngày ngày nhịp nhàng bên khung gỗ. Dệt là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay ở làng Chăm Mỹ Nghiệp. Người dân nơi đây dùng các khung gỗ, tre thô sơ làm khung dệt. Với đôi tay khéo léo, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm màu sắc rực rỡ, hoa văn đa dạng thể hiện sự quý phái, sang trọng như hoa văn thần Siva, rồng trời hay những hoa văn mới lạ như voi Tây Nguyên, hoa mai… 

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Giữa hàng trăm tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách bởi mỗi nghệ nhân khi tạo ra sản phẩm đều làm bằng sự sáng tạo và ngẫu hứng riêng. Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, làng dệt Mỹ Nghiệp còn có cơ sở chế tác áo, túi xách, ví, ba lô bằng thổ cẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm không lẫn với bất kỳ nơi nào. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm "ấm bàn tay con người" bởi sản phẩm được nắn và tạo hình hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay. 

Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao lấy từ sông Quao. Bàn tay nghệ nhân vuốt ve nhịp nhàng biến khối đất nên hình hài sản phẩm từ bình hoa, ấm nước, nồi niêu, chum vại đến các tháp tượng. Hoa văn gốm Bàu Trúc chủ yếu là hình răng cưa, sóng nước, vỏ sò...

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Đến thăm mỗi làng nghề, du khách có thể tự tay làm gốm, dệt sợi để hiểu trọn vẹn về cuộc sống, về một nền văn hóa Chăm đặc sắc. Sự dày công, khéo léo của những người nghệ nhân đã biến vùng đất nắng gió trở thành điểm thu hút khách tìm về. Tìm về những giá trị văn hóa cổ xưa qua những động tác nhịp nhàng “tay nặn mình xoay” thổi hồn vào nắm đất xứ sở, qua những sợi tơ không phai màu tháng năm mà người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn bằng cả một tình yêu nồng nàn.

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Vùng đất hiền hòa, bình dị

Du khách thường nói với nhau rằng: nếu đến Ninh Thuận mà chưa đến thăm những vườn nho thì xem như chưa đến Ninh Thuận. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp cho việc trồng nho, chẳng thế mà Ninh Thuận vẫn luôn được coi là tỉnh cung cấp nho tươi cho thị trường nhiều nhất cả nước với số lượng hàng chục nghìn tấn/năm. Từ năm 1980, người người trồng nho, nhà nhà trồng nho, Ninh Thuận trở thành vùng đất của những vườn nho trải dải xanh mướt. Những năm gần đây, khi du khách tìm đến vườn nho với mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm thì người nông dân cũng bắt đầu làm du lịch. Điển hình là cơ sở sản xuất nho được cấp chứng chỉ VietGAP từ năm 2010 của bác Nguyễn Văn Mọi (mà chúng tôi gọi bác bằng tên gọi thân thương: bác Ba) vẫn đón khách tham quan mỗi ngày.

Bác Ba

Bác Ba chia sẻ về quy trình trồng nho

Ở Ninh Thuận, người dân trồng một số giống nho chất lượng cao như nho Black Queen, nho xanh NH.01.48, nho đỏ NH.01.152, nho red cardinal và 1 số loại nho làm rượu vang như nho Sauvignon Blanc, nho Syrah, nho Cabernet Sauvignon. Theo chân bác Ba trên con đường ngập sắc hồng, tím của tigôn, tường vy…, chúng tôi rảo bước ra vườn và bị cuốn hút bởi một màu xanh bạt ngàn của vườn nho diện tích 1,5 hecta. Nắng xuyên qua kẽ lá, chiếu rọi những chùm nho đang căng mình chờ ngày cho trái ngọt bất chấp bao khô cằn của đất đai. Loại quả vốn nổi tiếng là quý phái, đỏng đảnh dường như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân mà đơm hoa kết trái, đong đưa dưới giàn lá xanh tràn trề sức sống. 

Ninh Thuận: Đâu chỉ là nắng gió

Trong vai người hướng dẫn viên, bác Ba chỉ cho chúng tôi những bông hoa nho, đâu là giống red cardinal, đâu là nho NH.01.48... Dưới giàn cây xanh mát, được nghe những chia sẻ từ bác Ba, chúng tôi hình dung về một tour du lịch homestay tại vườn: “một ngày làm nông dân”. Bắt đầu tìm hiểu về cây nho bằng những bài thuyết minh, những slide power point do chính bác Ba chuẩn bị kĩ lưỡng rồi bước ra vườn nhập vai những chàng trai, cô gái vườn nho tự tay cắt những chùm quả ngọt lành, hẳn sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với du khách.

Tại trung tâm thành phố Phan Rang, khi hoàng hôn buông xuống, Quảng trường 16 Tháng 4 trở nên đông vui với những chiếc xe đẩy bán đủ loại thức ăn. Hãy thử một lần dừng chân tại đây thưởng thức hải sản, bánh xèo, bắp nướng, bánh căn... bạn sẽ thấy yêu vùng đất rất đỗi hiền hòa, bình dị này. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng, du lịch phải chăng là hành trình góp nhặt những điều thân thương, bình dị nhất để đong đầy xúc cảm trái tim?

Trong buổi hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận do Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận, Hiệp hội du lịch Ninh Thuận cùng trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 20-9, hơn 30 doanh nghiệp du lịch từ các tỉnh, thành trong nước và tỉnh Ninh Thuận đã cùng ngồi lại với nhau, tìm ra giải pháp để du lịch Ninh Thuận phát huy những tiềm năng, thế mạnh hiện có. Trước tầm nhìn phát triển từ nay đến năm 2020, du lịch Ninh Thuận định hướng phát triển về cả du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái đồng thời, tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông; kêu gọi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp; phát triển du lịch theo hướng gắn các lợi thế sẵn có của địa phương với các loại hình du lịch hiện đại, chất lượng cao.

Tạm biệt Ninh Thuận, tôi góp nhặt một chút nắng gió, một chút hương rừng - biển mặn, một chút dư vị ngọt ngào của quả nho căng mọng; một chút tình người nồng ấm để dệt nên nỗi nhớ nhung dành cho vùng đất thiếu mưa thừa nắng này, để dặn lòng nhất định phải trở lại, nhìn Ninh Thuận dang tay đón chào du khách.